Các Dân Tộc Điện Biên – Người Xạ Phang ( Hoa )

Điện Biên là một tỉnh miền núi ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách thủ đô Hà Nội gần 500km về phía Tây Bắc và là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc dài hơn 400 km, với hình bị chia cắt mạnh bởi đồi núi, các dân tộc Điện Biên cũng rất đa dạng.

Tại Điện Biên hiện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Tính đến năm 2021, dân số của tỉnh Điện Biên là 625.100 người với mật độ dân số là 66 người/km². Trong đó, dân số nam là 317.400 người và dân số nữ là 307.700 người; dân số thành thị đạt 95 nghìn người và dân số nông thôn đạt 530.100 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của Điện Biên từ năm 2009 đến năm 20192%.

Hãy cùng Thổ Địa Điện Biên khám phá các dân tộc Điện Biên đời sống văn hoá của bà con bản địa tại nơi đây nhé.

1 CÁC DÂN TỘC ĐIỆN BIÊN – NGƯỜI XẠ PHANG

Người Xạ Phang (thuộc nhóm dân tộc Hoa) là dân tộc ít người của tỉnh Điện Biên, cư trú thành bản, theo dòng họ ở các huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa.

Dân số người Xạ Phang ở Điện Biên khoảng 2000 người.

Đến nay, đồng bào vẫn còn giữ được rất nhiều di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có bộ trang phục truyền thống và những đôi giày thêu với những nét hoa văn tinh xảo, độc đáo.

2 Lịch Sử Hình Thành Và Ngôn Ngữ Dân Tộc XẠ PHANG

Người Xạ Phang là một tộc người di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Họ có cùng nguồn gốc với dân tộc Hoa và là một nhóm nhỏ trong cộng đồng dân tộc Hoa.

Cho đến nay chưa có một nhà khoa học hay một công trình nào nghiên cứu riêng rẽ về tộc người Xạ Phang ở nước ta.

Theo như đồng bào truyền miệng thì tổ tiên người Xạ Phang mới định cư ở Điện Biên khoảng vài đời nay, như vậy có thể họ mới di cư sang Việt Nam khoảng 2-300 năm.

2.1 Tộc Người Trên Rẻo Cao

Theo những kết quả nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Điện Biên, tên gọi Xạ Phang là tên được đọc chệch đi của từ “xẻo phăng” theo tiếng Hán nghĩa là “người Hoa sống trên rẻo núi cao”.

2.2 Giải Thích Khác Về Tên Gọi

Theo ông Đinh Hồng Vận, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương lý giải dựa trên những dữ liệu ngôn ngữ và địa lý:

“Về cái tên Xạ Phang, bây giờ cũng chưa có tài liệu nào nghiên cứu, nhưng mà chúng tôi tìm hiểu người ta nói đây là dân tộc thiểu số ở bên Trung Quốc.”

Họ cũng không phải là một dân tộc của Trung Quốc mà chỉ là một nhóm tộc người ở Trung Quốc di cư sang Việt Nam. Cái chữ Xạ Phang là đọc chệch chữ Hạ Phương, tức là người ở vùng phía Nam, họ tự nhận là người Hạ phương từ Trung Quốc sang Việt Nam”.

2.3 Ngôn Ngữ

Ngôn Ngữ Dân tộc Xạ Phang thuộc nhóm ngôn ngữ Hoa – Hán

3 Hoạt Động Sản Xuất Và Phương thức Vận Chuyển

3.1 Hoạt Động Sản Xuất

Người Xạ Phang ở Điện Biên chủ yếu là làm nương rẫy, mỗi năm chỉ canh tác một vụ.

Lúa thường được ưu tiên trồng ở những mảnh đất mới phát, thường ở cách xa nhà. Còn những mảnh đất gần nhà, canh tác lâu năm, bạc màu thì bà con thường để trồng ngô, sắn và đậu tương.

Trước kia, người Xạ Phang chỉ trồng lúa nương nhưng hiện nay đã canh tác ruộng nước. Ngoài trồng trọt, người Xạ Phang chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm và cũng có nghề thủ công truyền thống.

Tuy nhiên, nghề có phần kém phát triển hơn so với một số dân tộc khác như Thái, Mông. Đồng bào chủ yếu đan lát mây tre, làm nghề rèn hoặc tự sửa chữa nông cụ, đóng bàn ghế đơn giản.

3.2 Phương tiện vận chuyển

Người Xạ Phang trước kia sử dụng ngựa để di chuyển, gần đây họ đã biết sử dụng các phương tiện hiện đại như xe máy, xe kéo để phục vụ cuộc sống.

4 CÁC DÂN TỘC ĐIỆN BIÊN: Quan Hệ Xã Hội

Người Xạ Phang ở Điện Biên có nhiều dòng họ như: Lồ, Sỉ, Sần, Oài, Hồ, Giàng, Ly, Hoàng, Lưu… Họ quan niệm những người cùng dòng họ là những người cùng một ông bà, tổ tiên sinh ra. Tiếng Xạ Phang gọi là “thồng chui”, “thồng chú”.

Sự khác nhau giữa các dòng họ cũng có những khác nhau trong cách bố trí bát hương trên bàn thờ cúng tổ tiên như: Họ Lồ chỉ 1 bát hương; họ Ly, họ Vàng có 3 bát hương; họ Trần có 4 bát hương…

Gia đình người Xạ Phang có truyền thống sống đoàn kết, hòa thuận từ 2 – 3 thế hệ chung một mái nhà. Chỉ có người con trai út là ở cùng đại gia đình để chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, bố mẹ.

Các con cả sau khi xây dựng gia đình một thời gian, ra ở riêng thường là ở gần liền nhà bố mẹ.

Mỗi dòng họ trong một bản làng thường bầu ra một người làm trưởng họ được gọi là “chu xuấn dần”. Người này thường là người có tuổi, có kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán của dòng họ mình và được mọi người tín nhiệm.

4.1 Hôn Nhân Người Xạ Phang

Lễ cưới hỏi truyền thống của người Xạ Phang thường được tổ chức từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Đây là khoảng thời gian nông nhàn nên tổ chức làm lễ là rất hợp lý.

Đồng bào Xạ Phang quan niệm rằng: Những người cùng một họ không được phép kết hôn.

Đồng bào sớm nhận biết được những tư tưởng lạc hậu, anh em lấy nhau xây dựng hạnh phúc là cùng huyết thống sẽ trái với luân thường đạo lý và sinh ra những đứa con dị dạng, ảnh hưởng đến sự phát triển dòng dõi của họ hàng.

Vì thế, ở dân tộc Xạ Phang hầu như không có chuyện kết hôn cận huyết thống.

Người Xạ Phang cho phép con cái tự do tìm kiếm bạn đời. Sau thời gian tìm hiểu và yêu nhau muốn xây dựng hạnh phúc gia đình người con trai sẽ rủ người con gái về nhà mình và cử em gái (thường là em gái ruột hay em họ) vào ở cùng để bầu bạn với cô gái.

Trong thời gian cô gái đến ở nhà trai, nhà trai nhờ người để thay mặt gia đình nhà trai sang bên nhà gái. Người được chọn đi phải là người có cuộc sống gia đình hạnh phúc, khéo nói, người am hiểu phong tục hôn nhân, có thể là nam hoặc nữ.

Họ sẽ chọn những ngày chẵn để đi sang bên nhà gái, mỗi lần đi cách nhau khoảng 3 đến 4 ngày, đủ 3 lần thì bên nhà gái sẽ trả lời rõ có đồng ý cho đôi trai gái kết hôn hay không, sính lễ cụ thể như thế nào, để gia đình nhà trai chuẩn bị.

5 CÁC DÂN TỘC ĐIỆN BIÊN: Ẩm Thực Dân Tộc XẠ PHANG

Khi nói về nét văn hóa trong ẩm thực, người Xạ Phang có một món ăn đặc trưng là món “đậu tình yêu” đã gắn bó từ xa xưa.

Để làm được món ăn này thì đậu phụ được cắt mỏng khoảng 2cm, thành hình vuông rồi cho vào rán nhỏ lửa đến khi miếng đậu có màu vàng đậm. Sau đó vớt ra để nguội và cắt đôi thành hình tam giác.

Rạch miếng đậu phụ hình tam giác ở cạnh mới cắt ra, nhồi nguyên liệu đã tẩm ướp rồi cho vào nồi xếp để phần thịt nhồi hướng lên trên. Sau đó cho một chút nước xâm xấp và đun nhỏ lửa đến khi hương thơm tỏa ra, khi ấy thịt đã chín món ăn đã hoàn thành.

Món “đậu tình yêu” là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Xạ Phang, đặc biệt là cỗ cưới.

Có lẽ vì vậy mà những cách giải thích về cái tên của món ăn này đều liên quan đến câu chuyện tình của một đôi trai gái người Xạ Phang hiền lành, chất phác từ thuở xa xưa. Ðây là món ăn truyền thống đã gắn bó lâu đời với người Xạ Phang.

6 CÁC DÂN TỘC ĐIỆN BIÊN: Trang Phục Người Xạ Phang

6.1 Trang phục nam giới dân tộc Xạ Phang

Trang phục nam giới dân tộc Xạ Phang gồm: áo, quần, giày…

Áo của nam giới lớn tuổi (Di Cấn): Được khâu, may bằng vải sẫm màu đặc biệt là màu đen, có 2 tà, mỗi tà có 2 túi, túi trên nhỏ hơn túi dưới, cổ áo đứng, thân áo dài che hết thắt lưng, áo cài cúc phía trước, cúc được làm bằng vải.

Áo của thanh niên chưa vợ hoặc chú rể thường mặc áo màu xanh, dài qua đầu gối, cài cúc giữa, các cúc thường được làm bằng vải, người Hoa (Xạ Phang) quan niệm số lẻ là số của sự phát triển, may mắn, vì vậy số cúc đính trên áo thường là 3,5,7,9... tùy vào độ dài của áo.

6.2 Trang phục nữ giới dân tộc Xạ Phang

Trang phục nữ giới dân tộc Xạ Phang gồm: Áo, quần, tạp dề, giày…

 Áo truyền thống của phụ nữ dân tộc Hoa (Xạ Phang) thường mặc áo ngắn, cổ áo cao, xẻ nách, cài chéo bằng các đôi cúc vải, vạt áo ghép bằng viền vải màu xanh, hồng….

Phần cổ áo được thêu hoa văn hình bông hoa, lá, hình lượn sóng…bằng các sợi chỉ màu xanh, đỏ, vàng…Phần cầu vai, một bên vạt áo trước ngực được thêu hoa văn hình móc, hình hoa,…giữa hình hoa có đính các hạt tròn kim loại.

Phần cổ ống tay áo, vạt áo, tà áo được trang trí bằng các viền vải hồng, xanh, trắng thêu các hoa văn sặc sỡ. Đặc biệt trong những ngày lễ hội, ngày tết họ thường mặc những áo có màu sắc sặc sỡ như màu tím, xanh, vàng, đỏ…

Người phụ nữ dân tộc Hoa (Xạ Phang) mặc quần màu đen, kiểu chân què, cạp lá tọa, ống quần rộng. Trước đây người Xạ Phang cố định quần bằng cách vấn cạp quần, ngày nay họ cố định quần bằng thắt lưng.

Ngoài ra khi đến tuổi trưởng thành phụ nữ dân tộc Hoa (Xạ Phang) còn đeo thêm tạp dề (ui dấu)

6.3 Giày Người Xạ Phang

Một điểm đặc sắc nhất trong bộ trang phục của người Xạ Phang đó chính là đôi giày.

Giày của người XẠ PHANG có nhiều loại như: giày nam, giày nữ, giày cho người cao tuổi và giày chú rể, cô dâu, giày chuyên biệt bán cho người Mông dùng để niệm theo người chết.

Giày cho người cao tuổi chỉ có màu đen, mũi tròn và kín. Còn giày cho nam và nữ, từ trung niên trở xuống đều là các đôi giày màu sắc sặc sỡ, nhiều họa tiết. Ðiểm khác nhau giữa giày nam và giày nữ là giày nữ kín mũi, còn giày nam hở một phần phía trước và thân giày.

7 CÁC DÂN TỘC ĐIỆN BIÊN: Nhà Của Người XẠ PHANG

Người Xạ Phang ở nhà gỗ, thường là nhà gỗ có 3 hoặc 4 gian, trong nhà có nhiều phòng. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở chính giữa nhà.

Người Xạ Phang kiêng phụ nữ đi ở cửa chính giữa căn nhà, 

8 CÁC DÂN TỘC ĐIỆN BIÊN: Tục Lệ Ma Chay Người Xạ Phang

Khi gia đình có người lớn tuổi chẳng may ốm nặng có thể không qua khỏi thì được con cháu trong gia đình chăm sóc, túc trực cho đến khi tắt thở.

Người Xạ Phang thường mua hoặc làm sẵn quan tài từ trước, khi gia đình chẳng may có người qua đời, trong lúc con cháu tắm rửa, thay trang phục mới cho người quá cố.

Những người đến giúp sẽ lấy quan tài ra sửa sang lại cho sạch sẽ giúp tang chủ, áo quan được đặt vào gian giữa nhà trước bàn thờ tổ tiên.

Khi đã thay trang phục cho người quá cố xong thì đặt người quá cố vào trong áo quan, lúc này con cháu mới được phép khóc to.

Theo quan niệm của người Xạ Phang thì những người đã lập gia đình, khi chết đi mới được để ở nhà 03 ngày; những người chưa thành lập gia đình chẳng may qua đời vẫn coi là chưa trưởng thành thì có thể để ở nhà một ngày hoặc đem chôn cất ngay trong ngày.

Dân tộc Xạ Phang không có nghĩa trang riêng giống như nhiều dân tộc khác. Trong tang ma, địa điểm chôn cất được lựa chọn theo phong thủy, theo quan niệm của họ.

9 CÁC DÂN TỘC ĐIỆN BIÊN: Tục Lệ Thờ Cúng

Bàn thờ của tất cả các dòng họ đều đặt ở gian giữa, vách phía trên nhà. Người Xạ Phang chỉ cúng 3 đời từ ông bà trở lại, khi con cái lớn lên tách ra ở riêng đều phải lập bàn thờ tổ tiên.

Thường thì người cha, người chồng, người con trai trưởng trong gia đình được kế tục và duy trì các nghi lễ của dòng họ như thờ cúng tổ tiên, tổ chức tham gia các lễ, lễ hội theo phong tục của dòng họ.

Ngoài ra, có một số gia đình còn lập thêm một bàn thờ nhỏ và thấp hơn bàn thờ tổ tiên để thờ cúng cho những người trong họ không lấy vợ, lấy chồng khi chết đi sẽ không được ngồi ăn cùng tổ tiên trên bàn thờ lớn.

10 CÁC DÂN TỘC ĐIỆN BIÊN: Lễ Tết Của Người XẠ PHANG

Dân tộc Xạ Phang tỉnh Điện Biên đón Tết cùng vào thời điểm Tết Nguyên đán cổ truyền của nước ta, kéo dài từ ngày 30 tháng 12 (âm lịch) đến ngày 15 tháng giêng (âm lịch) của năm mới.

Vào chiều ngày 30 tết, gia đình mổ gà cúng gia tiên, trong mâm cúng không thể thiếu bánh trôi, bánh chay.

Do người Xạ Phang có nguồn gốc từ người Hoa di cư từ Trung Quốc sang nên trong mâm cúng ngày tết nhất định phải có các loại quả như:

cam, quýt, bưởi cùng các loại hoa quả khác tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. (theo phát âm tiếng Hoa, quả quýt phát âm là “cát” tượng trưng cho sự cát tường, quả cam phát âm là “kấm tsản” tượng trưng cho vàng…)

Ngày mùng một tết theo phong tục của người Xạ Phang là ngày dành riêng để cúng bái và mừng tuổi trong nhà. Trong ngày này họ kiêng ăn thịt mỡ. Đến  ngày mùng hai tết mới được ra khỏi nhà để chúc tết, mừng tuổi bà con, bạn bè.

11 Di Sản Thêu Giày Của Người Xạ Phang

Với giá trị tiêu biểu, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2021.

Sau quá trình định cư, lập bản, đến nay, đồng bào Xạ Phang vẫn gìn giữ, bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc trong lao động, sinh hoạt hằng ngày, trong đó nghề làm giày thêu là một điển hình.

Đôi giày của người Xạ Phang do những người phụ nữ tự khâu, thêu cho các thành viên trong gia đình sử dụng và tích lũy dùng dần. Để hoàn thiện một đôi giày thêu, người phụ nữ Xạ Phang phải mất khoảng thời gian từ vài tháng trở lên.

Để làm được một đôi giày thêu tốt, phải trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, lựa chọn kiểu giày phù hợp với đối tượng sử dụng để cắt và khâu đế giày, tạo hình hoa văn, thêu hoa văn trên thân giày, khâu ráp thân giày, quai giày với đế để hoàn chỉnh giày.

Việc chế tác và thêu các họa tiết hoa văn sặc sỡ, độc đáo thể hiện sự tinh tế, bàn tay khéo léo, tư duy thẩm mỹ sáng tạo của người phụ nữ Xạ Phang.

Mỗi đôi giày hoàn thiện đều trở thành một tác phẩm nghệ thuật, trong đó ẩn chứa tình cảm, tâm tư và những ước mơ, hy vọng của người tạo ra giày; đồng thời thể hiện sự tự tin, lạc quan, luôn hướng tới những niềm vui, những điều may mắn trong cuộc sống.

12 Lời Kết

Chào Các bạn, trên đây là một số thông tin về văn hoá, và những nét đặc trưng của dân tộc XẠ PHANG thuộc nhóm dân tộc Hoa, một trong 19 các dân tộc Điện Biên đang cùng sinh sống của Thổ Địa Điện Biên.

Hãy cùng tìm hiểu thêm các dân tộc khác đang cùng sinh sống tại Điện Biên ở bên dưới link nhé.

——->>> Xem thêm Dân tộc Khơ – Mú

——->>> Xem thêm Dân tộc Xinh Mun

——->>> Xem thêm Dân tộc Si La

—->>> City Tour du lịch Điện Biên 3n2đ tại đây

—->>> City Tour du lịch Điện Biên 2n1đ tại đây

Những di tích lịch sử cách mạng này mãi mãi là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Xem thêm Tour Du Lịch Điện Biên cùng Thổ địa tại đậy

 

CÔNG TY TNHH TMDV DU LỊCH PHAN THÀNH TÂY BẮC

Số 79 Tổ 5 Phường Mường Thanh, Thành Phố Điện Biên Phủ, Tỉnh Điện Biên

0789.117.227

phanthanhtaybac@gmail.com

https://www.facebook.com/dulichdienbiencungthodia

 

 

Bài viết liên quan
Gọi điện thoại
0789.117.227
Chat Zalo