KINH NGHIỆM DU LỊCH CỰC TÂY A PA CHẢI – KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN MƯỜNG NHÉ ( BLOG DU LỊCH )

Kinh Nghiệm Du Lịch Cực Tây A Pa Chải Và Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Mường Nhé

Câu nói quá quen thuộc của những người yêu du lịch đó là: ” Nhất định phải đi tứ đại đỉnh đèo và bốn cực Tổ Quốc “. Và du lịch Cực Tây A Pa Chải ( một con gà gáy 3 nước đều nghe ) là điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình viết vào cuốn nhật kí trải nghiệm của đời người. Cùng với nó là 1 điểm ít được mọi người biết đến đó là khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.

A Pa Chải là một bản thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Trước đây bản A Pa Chải là bản ở cực tây trên đất liền của miền bắc Việt Nam. Tên “A Pa Chải” được dùng đặt cho tên đồn biên phòng và cho cửa khẩu A Pa Chải.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Từ Thành phố Điện Biên Phủ, xuôi theo quốc lộ 12 về phía Bắc, du khách sẽ đến thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Từ đây, tiếp tục đi theo con đường mới mở dẫn lên biên giới, tuyến thị trấn Mường Chà – Si Pa Phìn – trung tâm huyện lỵ Mường Nhé dài trên 100km, du khách sẽ tới Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.

Cực Tây A Pa Chải
Cực Tây A Pa Chải

Giới thiệu qua 2 địa điểm sẽ đến rồi! Bây giờ lên đường thôi…

 

Kinh nghiệm du lịch Cực Tây A Pa Chải
Kinh nghiệm du lịch Cực Tây A Pa Chải

Điện Biên, thành phố lịch sử anh hùng, cuối cùng tôi đã trở lại nơi đây thêm 1 lần nữa sau 9 năm dài đằng đẵng. 9 năm trước trong 1 chuyến công tác thực địa tôi đã lên Điện Biên 6 ngày, trong 6 ngày đó tôi mới chỉ kịp làm quen với nhịp sống, không khí và thử trải nghiệm nhanh 1 vài điểm du lịch tại Điện Biên. Lần này quay trở lại, tôi ấp ủ quyết tâm chinh phục Điện Biên thêm 1 lần nữa, quay trở lại kinh đô của người Thái, thủ phủ của Tây Bắc để viết nốt những trang cuối cho chuyến hành trình về miền viễn Tây mà tôi vẫn còn đang viết dang dở 9 năm trước của riêng cuộc đời tôi… 

Vừa xuống xe, Điện Biên chào mừng tôi quay lại bằng 1 cái rét rất riêng của Tây Bắc, không phải cái rét buốt cắt da cắt thịt như cái lạnh miền xuôi, mà cái lạnh phố núi phảng phất 1 chút khí hậu núi cao, 1 chút sương, 1 chút chiều lòng người, những làn sương sớm cuốn theo gió, chạm nhẹ vào khuôn mặt như muốn vuốt ve đôi môi, ánh mắt người lữ hành ngày quay trở lại. Cảm xúc trong tôi 9 năm trước bỗng tràn về theo làn sương phảng phất mờ ảo…

Sau khi ăn sáng, vẫn là quán phở quen thuộc năm xưa, 30.000vnđ một tô phở bò đầy ắp thịt và những bánh phở giống như tình cảm bà con nơi đây luôn đầy ắp tình yêu thương mến thương dành cho những du khách phương xa vậy, nghe giọng tôi người Sài Gòn bà chủ còn không ngại ngần múc thêm cho nhiều nhân thịt đi kèm là một đĩa nhỏ rau sống kèm nụ cười thật tươi, lộ ra ánh mắt nhăn nheo vất vả vì bươn trải mưu sinh nhưng vẫn rất sáng minh mẫn nhân hậu.

Sau bữa sáng tôi ngồi thưởng thức 1 ly cafe sữa đá tại khu vực quảng trường 7-5. Ung dung tự tại ngắm nhìn Tp. Điện Biên Phủ trong lớp sương huyển ảo. Nhắm mắt thật lâu để thưởng thức cái khí trời mát lạnh của Điện Biên trước khi những tia nắng gắt của phố núi cứ thay nhau xé toang màn sương, xuyên qua từng kẽ lá, chiếu xuống cánh đồng Mường Thanh sưởi ấm cho vạn vật muôn loài.

9 năm là một hành trình dài, lần này tôi đã sẵn sàng để viết lại phần kết cho chuyến hành trình trở về miền biên viễn xa xôi của mình, các bạn hãy dõi theo hành trình cùng tôi nhé.

250km là quãng đường mà hành trình lần này tôi sẽ vượt qua, trước khi quay lại tôi đã chuẩn bị rất kỹ tinh thần cũng như thể lực, nhiều bạn nghe nói 250km có thể sẽ không là gì nếu là đường đồng bằng, nhưng với cung đường quanh co, khúc khuỷu, gập ghềnh lên xuống của Tây Bắc mà lại là hành trình về tận cùng trời Tây thì đây là 1 hành trình không hề dễ dàng chút nào.

Sau khi kiểm tra kỹ chiếc xe máy mới thuê của các bạn Thổ Địa Điện Biên, đúng 8h30 chúng tôi bắt đầu hành trình, đoàn chúng tôi ngoài bạn Thổ Địa dẫn đường còn có 4 bạn trẻ khác, cũng trạc tuổi 25,26 họ đến từ những vùng đất khác nhau trên khắp cả nước, Bắc Trung Nam có đủ và đặc biệt tất cả, đều có chung 1 đam mê, nhiệt huyết, kèm với 1 trái tim rực lửa quyết tâm chinh phục cực Tây, lá cờ xa xôi nhất của Tổ quốc mà họ muốn hướng tới nhân ngày quốc lễ 2-9 này.

Sau khi khởi hành ra khỏi ngoại thành, mặt trời bắt đầu lên dần, những tia nắng ban mai đang thay nhau nhún nhảy rớt xuống mặt đất và lăn vào từng kẽ lá, từng khe đất sưởi ấm cho vạn vật chung quanh từ dưới lên theo cách mà nó vẫn vận hành cả ngàn đời nay.

Hai bên đường là những hàng cây hoa ban xanh mướt, đang nghiêng mình rợp bóng che mát cho bà con đồng bào bản địa bày bán những sản vật địa phương ven đường, rất nhiều măng, ngô, hoa quả rừng, dứa, rêu đá lần lượt được bày ra từng bao từng bao xếp gọn gàng hai bên đường.

Ra khỏi ngoại thành khoảng 15km chúng tôi bắt đầu lên đèo Cò Chạy, đèo dài khoảng hơn chục km, rất quanh co, 2 bên đường lên có rất nhiều thác nước thiên nhiên chảy từ trong khe núi chảy ra, rất sạch và mát, ẩn hiệm phía sau những tán lá nguyên sinh um tùm của rừng già.

Thác nước ven đường
Thác nước ven đường

Đổ đèo xong, chúng tôi đến với địa phận xã Mường Pồn, những bản làng và cánh đồng lúa ở đây làm tôi thật sự choáng ngợp. Những nếp nhà sàn được dựng nhấp nhô bên những sườn đồi thoai thoải, quanh co, đằng xa là những cánh đồng lúa xanh đang chuyển vàng trên những dẻo đất bậc thang đều tăm tắp, tất cả đang được nhuộm 1 màu vàng tươi của ánh bình minh đang lên trong sương mai. Tinh thần tôi như dịu dàng và nhẹ nhõm lại. Quên hết những thứ xô bồ của thành thị để tận hưởng cái không gian, cái cảm giác yên bình này.

Mường Pồn
Mường Pồn

 

Cánh đồng bất tận
Cánh đồng bất tận 

Sau 50km đầu tiên khi di chuyển từ thành phố Điện biên, chúng tôi đến thị trấn Mường Chà cũng là điểm nghỉ chân đầu tiên. Đây là đô thị cấp huyện, cửa ngõ vào thành phố Điện Biên nếu di chuyển theo Quốc lộ 12, nghe bạn Thổ Địa giới thiệu nơi đây bà con đồng bào trồng rất nhiều dứa, nếu đi vào mùa hoa dứa cũng rất đẹp. Chung quanh 2 bên đường bà con đồng bào H’Mong dựng những quán nhỏ ven đường, gánh những gánh dứa từ trên nương xuống bày bán khắp 2 bên đường, bà con đồng báo còn đốt những đống lửa nhỏ xua tan cái lạnh giá đầu đông, khói bay nghi ngút khắp đoạn đường.

50km nữa mới đến điểm nghỉ dừng chân tiếp theo, cũng là điểm nghỉ ăn trưa theo lời bạn thổ địa chia sẻ, hành trình tiếp theo là hành trình khó, dốc lên cao, đường hết sức khó đi, quanh co đúng như câu ngàn thước lên cao ngàn thước xuống, từ trên dốc cao thị trấn Mường Chà hiện lên vừa nhỏ xinh vừa thơ mộng, những ánh nắng cũng dần chiếu xuống trên vai người lữ hành, cái lạnh dần được thay thế bầu trời sáng trong xanh, những làn sương lên cao cũng tan dần theo những tia nắng ấm áp.

Con dốc thật cao, đường lại còn nhỏ và dài hơn vừa rồi. Cảm giác cứ như đường lên trên trời vậy. Cũng may chiếc xe của Thổ Địa trước khi đi đã được kiểm tra và bảo dưỡng kỹ, tuy dốc cao nhưng cả lái lẫn xe đều không để xảy ra một sai sót nhỏ.

Càng ngày trời càng nắng hơn, chúng tôi vượt qua những đoạn cua khó, những thửa ruộng bậc thang hiện ra thật đẹp, cảm giác 9 năm trước lại ùa về, cùng với những bản làng nhấp nhô ẩn hiện trong tán lá, đoàn chúng tôi không thể cưỡng lại được mà cứ vừa đi vừa dừng chụp ảnh, thay nhau trầm trồ, khen ngợi và dùng không biết bao nhiêu những mỹ từ đẹp nhất, tuyệt vời nhất để miêu tả về cảnh quan nơi đây mà vẫn chưa thấy đủ. Đoàn tiếp tục di chuyển đến giữa trưa khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu chúng tôi mới đến điểm nghỉ chân ăn trưa.

Bầu trời lúc này xanh ngắt không một gợn mây, chúng tôi được bạn thổ địa đưa vào một bản nhỏ ven đường, lối vào bản từ trên trục đường chính xuống khá nhỏ và dốc, chung quanh các gốc cây đều được bà con xếp đá gọn gàng thành hàng bao quanh trông rất đẹp. Sau khi đi qua 1 cây cầu treo thật cổ kính rất cao bắc sang bên kia suối, nhìn bên dưới là những dòng nước xanh mát chảy trong khe ra đang liên tục nhảy múa trên những chiếc guồng nước cũ kỹ được dựng tỷ mỉ, chúng tôi rẽ vào điểm ăn trưa tại 1 hộ gia đình đồng bào dân tộc Thái trong bản.

Sau khi ăn trưa ở 1 chòi lá ven suối chúng tôi được bà con tại bản tiếp đón rất nồng hậu, đối với những người miền xuôi chúng tôi lên núi trải nghiệm như thế này thì tình cảm của bà con đồng bào nơi đây đem lại là sự bất ngờ lớn, vì không ai trong đoàn chúng tôi có thể nghĩ là bà con lại hiếu khách và nhiệt tình với khách du lịch đến như vậy,  sau khi dùng bữa với những món ăn dân tộc như pa pỉnh tộp, cá suối, gà dân tộc..v…v. chúng tôi còn được bạn thổ địa kể về tộc người Thái, nguồn gốc và nền văn minh hàng nghìn năm qua của họ. Tôi cùng cả đoàn thật sự bất ngờ khi biết dân tộc Thái lại có 1 nền văn hiến lâu đời đến như vậy, họ cũng từng có quốc gia riêng, cũng từng tranh bá xưng hùng với các quốc gia cổ đại khác ở phương Bắc, và Mường then lại chính là đất tổ, nơi phát tích của tất cả các ngành thái ở Việt Nam cũng như toàn Đông Nam Á vậy.

Thiên nhiên hùng vĩ
Thiên nhiên hùng vĩ

Sau khi ăn trưa, chụp ảnh bên guồng nước thơ mộng, đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển, lúc này đã là 13h30 buổi trưa, mặt trời kim ô đã lên đến quá đỉnh đầu, không còn cái lạnh buốt của mùa đông núi cao nữa, thay vào đó là cái nắng ấm áp, gắt hơn chút, và có chút oi của Tây Bắc, trước khi lên Điện Biên chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ, từ tinh thần đến sức khoẻ, nhưng khi bắt đầu hành trình, chúng tôi lại thấy hết những bất ngờ này tới bất ngờ khác, từ tình cảm của bà con đồng bào, đến cảnh quan, giờ là thời tiết, ngay buổi đầu đông sớm như vậy, mà 1 ngày trên này lại có 4 mùa…

Với những người miền xuôi chúng tôi thì vừa lạ vừa hết sức thích thú, mùa đông trên này không có mưa phùn, không có gió bấc, chỉ có những làn sương mờ ảo, vắt qua từng đỉnh núi, cánh đồng, đến trưa thay vào những dải sương là những tia nắng ấm đến hơi gắt, quả thực chúng tôi có chút lúng túng trong viêc chuẩn bị trang phục nhưng tất cả đều không là gì cả so với những cảm xúc mà Điện Biên mang lại trong chúng tôi.

Chẳng mấy chốc cũng đã đến thị trấn Mường Nhé. Tuy là trung tâm của 1 huyện biên giới xa xôi, nhưng đường xá ở đây khá rộng, Tôi dừng lại nghỉ một quán nước ven đường lấy sức trước khi tiếp tục hành trình vào đồn biên phòng A Pa Chải.

Những cậu bé Hà Nhi chăn trâu
Những cậu bé Hà Nhi chăn trâu

50km cuối từ trung tâm huyện Mường Nhé đến đồn biên phòng là hành trình cuối cùng chúng tôi phải vượt qua trước khi chinh phục cột mốc cực Tây nơi biên viễn A Pa Chải. Càng xa trung tâm, bà con đồng bào bắt đầu sinh sống càng thưa thớt, dần dần chỉ tập trung thành các xã, các bản nhỏ chung quanh ven đường, thỉnh thoảng lại thấy 1 vài gia đình đồng bào đang phơi măng khô, bạn Thổ Địa chia sẻ, măng phải trải qua hơn chục ngày nắng như vậy, kết tinh, hấp thụ đủ các loại tinh hoa của Tây Bắc, uống sương sớm, đón nắng mai, trải qua vô vàn những bước tỉ mỉ sơ chế mới có thể vận chuyển đến tay bà con dưới xuôi để trở thành những món ăn tuyệt phẩm mang hương vị rừng núi miền viễn Tây. Đúng là trải nghiệm lần này thực sự quý giá đối với tôi cũng như cả đoàn.

Măng khô Điện Biên
Măng khô Điện Biên

Dọc đường có một con suối khá là trong xanh tại xã Sín Thầu, bạn thổ địa cho đoàn dừng chân nghỉ ngơi trước khi vào đến điểm cuối, những dòng nước xanh mát, cảnh quan dần về cực Tây dần thay đổi, thời tiết, thảm thực vật, rừng già cũng dần thay đổi theo từng kinh độ, không cần là 1 người tinh tế, chỉ cần bạn có một trái tim rộng mở, hãy nhắm mắt lại, lắng tai nghe và cảm nhận hương vị của đất trời của Tây Bắc, hãy cảm nhận bằng cả 6 giác quan cùng hoà với nhịp đập của thiên nhiên, các bạn sẽ cảm thấy rõ từng sự thay đổi mỗi khi di chuyển dần về phía tận cùng của Việt Nam.

Suối ven đường
Suối ven đường

Cuối cùng cũng đã đến đồn biên phòng A Pa Chải, 250km đường đèo là một hành trình khá vất vả, đồn biên phòng núp bóng bên sườn đồi trống, từ đây lên điểm cao có thể quan sát được khá xa, xung quanh lối vào được trồng rất nhiều những cây hoa ban, loài hoa đặc trưng của Điện Biên nói riêng cũng như Tây Bắc nói chung, đồn đóng ở xa mà vẫn mang lại cảm giác gần gũi, nồng ấm, chứ không hiu quạnh lạnh lẽo vì vắng người như đoàn từng nghĩ.

Đoàn mình không tiện vào tham quan bên trong mà chỉ dừng nghỉ ở khu tiếp đoán khách bên ngoài. bạn thổ địa cũng đã liên lạc trước với bên đồn nên cũng không phải chờ đợi gì, đoàn chỉ vào nhận phòng và nghỉ ngơi.

Ở đây thì có bà hạng phòng để ngủ. 1 là ngủ tập thể nhà sàn, 2 là thuê phòng riêng 2 người và 3 là thuê phòng cho 4 người. Tùy mọi người lựa chọn nhé

Đồn biên phòng A Pa Chải
Đồn biên phòng A Pa Chải

Buổi sáng thức dậy sau một giấc ngủ sâu ở một nơi xa xôi cách gia đình gần 2000km, không khí trong lành, cảnh sắc hữu tình khiến tinh thần tôi và mọi người trong đoàn như lấy lại được phần nhiều sức khoẻ, năng lượng và sự hưng phấn như ngày bắt đầu cuộc hành trình. Có lẽ 1 phần cũng vì hào hứng trở lại sau nhiều năm chờ đợi, 1 phần vì cảnh sắc thiên nhiên nơi đây quá tuyệt vời đối với chúng tôi.

Cánh đồng xanh mướt
Cánh đồng xanh mướt

6h30 Đoàn chúng tôi theo chân anh lính trẻ biên phòng bắt đầu di chuyển lên mốc. Từ đồn biên phòng chúng tôi phải đi thêm 10km mới đến được bậc thang để leo mốc, cột mốc nằm trên đỉnh núi Khoang Lan Sa cao khoảng hơn 1800m so với mực nước biển, đi hết trục đường chính sẽ dẫn tới lối mở A Pa Chải, đây chính là đoạn đường cuối cùng thuộc quyền quản lý của nước CHXHCN Việt Nam, từ lối mở chúng tôi có thể nhìn thấy hàng rào thép gai phân định ranh giới chủ quyền giữa 2 quốc gia, xa xa là bóng cột cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong màn sương sớm mờ ảo, lá cờ xa nhất về phía viễn Tây vẫn ngày ngày đón nắng gió Tây Bắc, tô hồng thêm bản sắc chủ quyền linh thiêng của bờ cõi Việt về phía tận cùng cực Tây.

Từ lối mở đoàn chúng tôi theo chân anh biên phòng rẽ vào đường mòn quanh co, sương sớm ướt đẫm từng bụi cỏ, hàng cây ven đường, đường cũng vì thế mà trơn trượt nhiều, rất nguy hiểm và khó đi.

Lần đầu chinh phục a pa chải của tôi vào khoảng 9 năm trước, năm 2014. Thời điểm đó chưa có đường bê tông lên đến mốc, chúng tôi sau khi đi xe máy đến 4km cuối, phải đi hiking 2 tiếng bằng lối mòn. Giờ thì mọi thứ đơn gian hơn khá nhiều rồi, tuy quãng đường 4km cuối đã được xây lại bằng bê tông để xe máy có thể đi được nhưng đoạn đường khá khó đi, quanh co và nhiều đoạn cua lên dốc dựng đứng đòi hỏi tay nài phải chắc và cứng mới có thể đi được.

Càng lên cao cảnh quan cũng dần thay đổi, giờ là hơn 8h sáng, đoàn chúng tôi xé toang màn sương sớm, len lỏi vào những cung đường mòn rậm rạp những tán lá cây rừng nguyên sinh cổ thụ, sương xuống ướt đẫm nền đường, cỏ cây ngấm nước lạnh buốt như vừa được tắm đẫm những trận mưa mùa hạ, càng lên cao lại càng lạnh, áp lực nén khiến đôi tai tôi ù dần đi vì độ cao…

Khi gần lên đến đỉnh chúng tôi không thể tin vào cảnh quan trước mắt, sau khi xuyên qua màn sương mờ ảo dưới kia thì trên này như một thế giới khác, từ trên này nhìn xuống dưới chân chúng tôi là từng biển mây đang trôi lờ lững trắng muốt, khiến chúng tôi dù cố cũng không thể nhìn ra những gì bị mây che lấp trên quãng đường vất vả vừa đi qua, tất cả đều là mây, mây như bông, mây như tấm chăn mền lớn tạo thành những hình thù kì lạ đến khó tả, bên trên tầng mây là ánh mặt trời sáng sớm ấm áp, bầu trời xanh không chút tỳ vết, đâu cần phải đi đâu xa để săn mây, ngay tại đây chúng tôi đã được đức mẹ thiên nhiên linh thiêng ban tặng, chiêu đãi một buổi hẹn hò với biển mây mà bất cứ thành viên nào trong đoàn cũng chưa từng được chiêm ngưỡng, quả là càng về cùng cực, những tuyệt cảnh cứ càng ngày càng hiện ra trước tầm mắt với tần số càng nhiều và đầy ắp những bất ngờ.

Kết thúc 600 bậc thang cuối, đoàn chúng tôi nhẹ nhàng nghỉ ngơi và checkin cột mốc thiêng liêng miền viễn Tây của tổ quốc, nơi đây sau 9 năm quay lại, cảnh vật tuy ít nhiều đã khác đi đôi chút, duy chỉ có tình yêu của tôi dành cho mảnh đất này thì vẫn như vậy. Lý do tôi yêu mảnh đất này đến vậy vì ông nội tôi cùng các đồng đội của ông từng là chiến sỹ giải phóng Điện Biên năm xưa, ông cùng các đồng đội đã dùng máu của mình viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc mà tôi rất đỗi tự hào, tuy ông đã nằm lại trên chiến trường Điện Biên Phủ hơn 1 nửa thế kỷ trước, nhưng những chiến công và công lao của ông cho mảnh đất này thì vẫn còn mãi…

Lá cờ chủ quyền trên mốc thiêng liêng bay cao phấp phời trong nắng sớm, dưới chân tôi là cánh rừng nguyên sinh của nước bạn Lào, bên cạnh là lối mòn tuần tra biên giới của ông bạn hàng xóm to béo Trung Quốc, phía sau tôi là quê hương thân yêu Việt Nam. cột mốc hình tam giác, in hình quốc huy của 3 nước, mặt quốc huy quay về phía bên nào là chủ quyền lãnh thổ của bên đó, nhìn lá cờ tung bay trên nền trời xanh ngắt lòng tôi bồi hồi xúc động, cuối cùng tôi đã làm được, tôi đã trở lại Điện Biên Phủ sau 9 năm….

Những bậc thang cuối cùng
Những bậc thang cuối cùng

Đường trở về từ trên mốc cũng khá khó đi, chúng tôi lại tiếp tục hành trình xuyên qua màn sương mờ ảo, len lỏi trên những đoạn đường mòn ẩm ướt để quay trở lại đồn biên phòng, lần này trở về không biết bao giờ chúng tôi mới có dịp quay trở lại, tâm trạng ai cũng bồi hồi và đầy xúc cảm.

Sau khi về đồn làm thủ tục nhận lại CCCD và hành lý đoàn chúng tôi theo chân bạn Thổ Địa quay trở về Điện Biên, trên đường đi theo sự dẫn đường của bạn thổ địa chúng tôi rẽ vào nghỉ chân ở 1 còn suối tại khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, gọi là suối Thác Rồng.

Đường đi vào suối Thác Rồng cũng khá dễ đi, sau khoảng 30 phút di chuyển chúng tôi đã tới chân thác. Thác Rồng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Mường Nhé nên trước khi vào bạn thổ địa cũng phải làm thủ tục xin phép và lưu lại giấy tờ với lực lượng biên phòng tại đây trước khi vào. 

Anh kiểm lâm dẫn đường
Anh kiểm lâm dẫn đường

Theo chân một chiến sỹ kiểm lâm lên thác, Con thác khá đẹp, mùa này là mùa nước cao nên thác không hiện rõ lắm tuy không hiện rõ là theo lời anh kiểm lâm dẫn đường nói như vậy chứ với chúng tôi, những đoàn lữ hành phương xa từ nơi đô thị ồn ào tập nập đến với chốn biên cương xa xôi, như này cũng đã là quá tuyệt vời rồi. Do nước cao thì cũng ko dám bơi, chứ nếu là mùa khô thì tôi cùng đoàn đã vội nhảy xuống trầm mình bên dòng thác sau khoảng thời gian hiking nóng nực rồi.

Thác Rồng
Thác Rồng

Sau khi ăn uống nghỉ trưa tại thác đoàn chúng tôi quay trở ra nhận lại giấy tờ làm thủ tục và tiếp tục hành trình trở về Thành Phố Điện Biên Phủ.

Thị trấn Mường Nhé
Thị trấn Mường Nhé

Kinh nghiệm du lịch cực tây A Pa Chải thật sự là một hành trình đáng nhớ đối với tôi cũng như cả đoàn. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Người dân đồng bào hết sức dễ thương, mến khách và rất nhiệt tình với khách phương xa như chúng tôi. Nhưng cô gái Hà Nhì trong trang phục truyền thống thật đẹp và nết na. Cảm ơn Du Lịch Điện Biên Cùng Thổ Địa đã cho tôi hành trình trải nghiệm đáng nhớ này, có lẽ tôi sẽ cùng gia đình trở lại Điện Biên vào một ngày nữa không xa.

Dân Tộc Hà Nhì
Dân Tộc Hà Nhì

CÔNG TY TNHH TMDV DU LỊCH PHAN THÀNH TÂY BẮC

Số 79 Tổ 5 Phường Mường Thanh, Thành Phố Điện Biên Phủ, Tỉnh Điện Biên

0789.117.227

phanthanhtaybac@gmail.com

https://www.facebook.com/thodiadienbien

Bài viết liên quan
Gọi điện thoại
0789.117.227
Chat Zalo